CỰU HỌC SINH KHÓA 76

Xin mời các bạn cựu học sinh K76 (1969-1976) viết bài và gửi ảnh.
Xin vui lòng gửi về e-Mail: cuuhocsinhk76@gmail.com

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

THƯ GIÃN BẰNG ẢNH VUI

Nam sinh chỉ mơ ước đơn sơ thế này...

có lợn ...cắp nách ra chợ bán
rồi....
sẽ được: 

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

CÂU ĐỐ DÀNH CHO BẠN ĐỒNG MÔN

CÂU ĐỐ DÀNH CHO BẠN ĐỒNG MÔN


Trên răng dưới dép thân còn thẳng
Thây chết khiêng ngang được tổng thành
Lênh đênh mặt biển ngang con sóng
Sống lại giang hồ hiệu Đức Anh
Diệt thù bóng tối mật danh “X”
Trung dũng nghĩa nhân sáng tựa sao
Vầng trăng cắt đứt làm hai mảnh
Chia kẻ phong sương, phận má đào!
LÀ CÁI GÌ ( HAY AI vv....và vv...)

Mời thân hữu K76 giải câu đố ( thai đố) này với đáp án hợp lý nhất
Nhân vật trả lời đúng và nhanh nhất sẽ nhận thưởng bằng1 chầu nhậu lớn ...hihihi

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

TRƯỜNG & ĐƯỜNG CỦA CHÚNG EM

Phú đặng sưu tầm
em nghe...lén ở trường:
CÔ (THẦY) LÀ ĐỆ TỬ CỦA...SÁT THỦ ĐẦU MƯNG MỦ !

THEO SÁCH DẠY...TẢO HÔN & CÓ CON KHI 8 TUỔI ! má ơi !

Bài làm & Lời phê ...không thể chê !

Ụa !
em nhìn thấy trên đường :


truong long lam thai...

 ?

 !


thiệt hông ?

muốn gia đình hạnh phúc cũng ...dễ ...thiệt !

tiết kiệm điện hay PCCC kiểu ...gì vậy cà ?
(ban đêm ?)




xong, em muốn...


Thứ Tư, 6 tháng 11, 2013

NHỮNG CHUYỆN KHÓ QUÊN

Nhớ...tiếng Anh của ngày xưa !

...
and và   if  nếu   when   khi
but nhưng    for để    bỡi vì because
long dài       short ngắn tall cao
look for tìm kiếm nơi nào ...vật rơi !

hoặc cũng có thể là:
...
and và   if  nếu   when   khi
but nhưng    for để    bỡi vì because
look like nó giống làm sao
look after săn sóc look down khinh hèn

... 

Lưu ý: Chưa chắc đúng nguyên bản và còn thiếu...
           Để tránh dị bản và được hoàn chỉnh cả bài
           Mong các bạn bổ sung. 


Nhớ về học Toán


Tìm Sin lấy Đối chia  Huyền.
Cosin ta lấy Kề , Huyền chia nhau;
Còn Tang, ta hãy tính sau: 
Đối trên,  Kề  dưới chia nhau  rõ ràng!




TIẾNG PHÁP

 Bài ca dao tiếng Pháp học từ thầy Huỳnh Tô  mà ai học Thầy đều biết
" LE VENT là Gió;
L'EST Đông;
LA PLUIE -M ưa; NORD-  Bắc;
LE TYPHONG-  Bão rồng;
LE CRABE- Con cua, con còng"
                                                 NHV



Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

LÂU LÂU ...NHỚ MỘT KỶ NIỆM

Mục này dành riêng để kể lại những kỷ niệm K76 ngày xưa ấy 
 ( Mỗi tuần sẽ chọn đăng lên chỉ 1 chuyện vì...chúng ta già rồi nên quên và sẽ hết chuyện để kể!)

Câu chuyện đầu 01.11.2013:
Kỷ niệm về Thầy Phan Trọng Ngôn 

Đây là câu chuyện của thầy kể ở lớp 10B2
   " Xưa có một nhà sư tu hành trên núi cao, đã nhiều năm xa lánh chốn hồng trần, người bằng lòng với cuộc sống đạm bạc rau dưa và tìm sự thanh tịnh trong câu kinh tiếng kệ...Bầu bạn duy nhất của nhà sư là một chú tiểu - thật ra thì có thể gọi là con nuôi theo cách gọi người đời - vì vị sư già đã nhặt được đứa bé từ khi còn là một hài nhi và nuôi nấng mười mấy năm rồi...
     Tuy ở chốn thâm sơn cùng cốc nhưng với tình thương của một người cha và đức độ của một vị sư nên người đã nuôi dưỡng giáo dục chú tiểu hết khả năng của mình. Chú tiểu có vóc hình của một thanh niên khỏe mạnh, có thể đọc thông viết thạo và thuộc nhiều kinh kệ...
     Năm chú tiểu được 18 tuổi, nhà sư già đưa chú tiểu cùng đi với mình về phố thị để thỉnh một số kinh sách và mua vài vật dụng cần thiết mà cả hai không thể tự làm được ở chốn núi rừng.
    Không lạ gì khi chú tiểu thấy gì cũng hỏi sư phụ, vị sư già vui vẻ trả lời, nào là đó là cái xe đạp , đó là con ngựa, đó là cái máy hát dĩa, đó là con vv  ...và vv... Cái gì con gì chú tiểu cũng tỏ ra thích thú hết...duy nhất một lần vị sư già trả lời sai sự thật vì một lý do nào đó, đó là khi chú tiểu thấy một thiếu nữ tuổi trăng tròn và hỏi thầy con gì ? thì thầy trả lời tỉnh khô " hổ cái đó con "
   Sau khi đã hoàn tất mọi việc thầy trò chuẩn bị quay về . Thấy chú tiểu từ lúc xuống phố thích thú nhiều thứ, sư phụ động lòng thương mới bảo " con muốn cái gì, con gì thầy mua cho một thứ để con vui và coi như là kỷ niệm của thầy "
Chú tiểu trả lời ngay mà không cần suy nghĩ : con muốn hổ cái !"


Lời bàn của thầy: ...nhiều lắm nhưng.... tui quên mất rồi !


nhưng câu chuyện của thầy kể chắc chắn nhiều người nhớ... và từ cái ngày thầy kể câu chuyện này đến nay xấp xỉ 40 năm và...nhiều nam sinh chiêm nghiệm lại, hình như.....không sai, thì phải ? hehe
                                                                                               Phú Đặng


Câu chuyện thứ hai 8.11.2013:
Kỷ niệm về Thầy Phan Bổ


   Thời ấy, mỗi ông thầy đều có tính cách rất riêng. Thầy Phan Bổ dạy Toán, người ôm ốm, rất ít nói, chưa hề thấy thầy đến lớp dạy học mang theo sách hay tài liệu gì...Thầy được mệnh danh là ...không xài tiền lẻ ! 
   Điểm số của Thầy trong sổ điểm của lớp rất đặc biệt, chỉ có 5 loại điểm: 00 - 05 - 10 - 15 - 20.
   Đối với thầy, toán không có khái niệm gần đúng, một là đúng hai là sai. Thầy cho bài tập hay bài thi " lục cá nguyệt " cũng rất hay, chỉ 4 bài và mỗi bài đúng sẽ là 5 điểm.( Nhiều học sinh của thầy làm bài tập tràng giang đại hải đến 4 trang giấy vẫn ăn một cặp hột vịt vì bài nào cũng sai chút xíu, cũng gần ..đến đáp số ! )
   Cái độc đáo của Thầy còn ở chỗ: bài thứ 4, bài cuối cùng trong 4 bài tập lúc nào cũng rất khó và tất nhiên con điểm 20 thầy còn nhiều lắm !
   Không xài tiền lẻ và điểm 20 thầy ...để dành còn nhiều nên thầy rất rộng rãi như... Bill Gate hiện nay: Khi phát hiện một bài giải hay, có cách giải khác mà thầy đã từng dạy, thầy sẵn sàng cho 2 con 20 ngay lập tức !  Bạn Nguyễn Quốc Hòa B2 ( là học sinh giỏi, có cách học rất hay) thỉnh thoảng nhận được những điểm này của thầy...
                                 
Lời bàn của.... trò : 
- Sau này mới biết thầy Phan Bổ khuyến khích học có sáng tạo - Tiếc là khi biết thì không còn học thầy nữa !
Toán học rất chuẩn mực với hằng hà công thức, định lý...Áp dụng điều đã biết, đã học để giải quyết một bài toán là điều bình thường. Còn vận dụng nó để giải quyết ...lại là vấn đề khác...( hình như vẫn đúng kể cả trong cuộc sống và công việc phải không các bạn ?)
                                                                                                                                          Phú Đặng                                               


Câu chuyện thứ ba 16.11.2013:
Tuy hòa áo trắng và...đi bộ

    Ngoại trừ màu xanh tươi đẹp của những cây dừa cây chuối trong vườn và nhiều hàng cây dọc theo hè phố thì màu trắng của áo học trò là màu sống động nhất của phố nhỏ những ngày xa xưa...
    Ba thời khắc trong ngày, áo trắng chiếm lĩnh mọi con đường; Bình minh với ánh hồng rực rỡ của mặt trời xứ biển là thời gian học trò đến trường - Buổi trưa, thời khắc khá dài cho tụm năm tụm ba trên đường về. Sau đó không lâu, đàn kiến áo trắng cần mẫn khác lại trên đường đến trường... Buổi chiều, mặt trời hết chói chang phía trời tây sẽ cho ánh sáng dịu dàng tràn ngập những con đường có những bóng cây nghiêng hẳn để rồi nằm chết bẹp trên đường  ... Nhiều thời điểm trong ngày, cơn gió nồm quê tôi hiền hòa đến thế mà vẫn cợt nhả cuốn nhẹ tà áo dài để vài ba nữ sinh điệu đàng khẽ tay giữ lấy... 
    Ở đây hình như không có chỗ cho sự vội vã và lo lắng. Thị xã nhỏ nhưng kéo dài theo hướng đông tây; Nhà gần trường, đi bộ - nhà hơi xa, đi bộ - nhà rất xa như ở khu phố cổ núi Nhạn hay QL 18 gian, vẫn là đi bộ...nhà có xe đạp vẫn đi bộ, nhà có xe gắn máy cũng đi bộ luôn !...mà đi bộ cũng từ từ , cũng từng nhóm từng nhóm. Nhóm nam sinh thì thoải mái cầm tập vở trên tay, muốn đút túi...cũng không sao! nữ sinh thì cô nàng nào cũng trang bị cho mình một cái cặp da, chẳng bao giờ thấy xách mà dùng để...ôm! Tôi ít thấy trên gương mặt học trò thể hiện nét vội vã, như là vội vã vì ...sợ trễ giờ, tôi chưa từng thấy sự lo lắng nào vì... sợ do... chưa thuộc bài !
     Trên đường về, học trò không sợ nắng cũng dễ hiểu vì sinh ra và lớn lên nơi nhiều nắng nên ...quen!  hình như học trò thời ấy cũng không biết đói mới là chuyện... lạ! Cũng tốp năm tốp ba như buổi sáng đi học nhưng trên đường về hình như vui và...nhiều chuyện hơn ! Cũng tốp năm tốp ba như buổi sáng nhưng từng cá thể của nhóm có ... thay đổi. Đừng ngạc nhiên khi thấy bạn mình trọ học ở gần xóm chiếu hay nhà ba mẹ bạn mình ở sau lưng trường nam lại cùng tốp đi theo Lê Thánh Tôn hay Lê Lợi hướng về phía tây, trước mặt không xa có vài nhóm nữ sinh...Tin tôi đi - bạn tôi đang dằn cơn đói bụng đi về hướng ấy để tìm cơ hội...mượn sách đó ! 
     Tội nghiệp bạn tôi chưa ?
     Ôi, thời tươi đẹp đã trôi qua mất rồi...
                                                                                      Phú Đặng                                                                       


Câu chuyện thứ tư 22.11.2013:
Tuyhoa ...lụt

     Hằng năm, khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10 AL thầy cô giáo và học trò thường được nghỉ ...lụt. Lụt cũng quen thuộc, năm lớn năm nhỏ gì năm nào cũng có, nên cũng có chuyện nực cười là thư thầy cô viết cho gia đình ở Huế, ở Quảng thường hẹn ...đợi con lụt tới sẽ về thăm nhà !(giống như nghỉ lễ nhưng chưa định ngày !) và lụt  cũng nhẹ nhàng bỡi nước từ sông Ba dâng cao dần, nước vượt Bến Sạn chỗ nhà Phú Táo thì chưa, chứ mấp mé Ngả 4 Tân Tiến là ...sướng, bỡi kề theo đó là có tin được nghỉ học ! ( cái từ LŨ khủng khiếp hiện nay hồi đó ở Tuy hòa không ai gọi vì ...không có)
    Cho nên mới có cảnh đi coi lụt đã đến đâu để ...tính! Học trò đi tới đi lui xem lụt, nhà chưa ngập thì kê phản kê giường lên coi như xong để vọt ra đường. Lúc này trên đường cũng vui lắm, chợ Tuy hòa đã có nước nên gần đó chỗ nào chưa có nước là có chợ ...chồm hổm bán hàng. Trục đường Trần Hưng Đạo vui hơn, nước ngập cỡ ba bốn chục phân nên mấy anh thanh niên đã lớn có Honda gắn ống "bô" cao chạy lên chạy xuống thiệt nhanh để nước tóe 2 bên cười to khoái chí, dân rảnh việc xắn quần đứng coi từ bên hè phố lấp xấp nước...Thỉnh thoảng một chiếc xe nhà binh đi cứu trợ chở người dân ở xóm chài gần cửa biển đi tránh lụt làm nước trên đại lộ dậy sóng!..Mà cũng ngộ, bỏ nhà đi tránh lụt mà họ rất bình thường nếu không gọi là vui như là đi chơi...( bỡi mùa này biển động nằm queo trong nhà chớ có biết làm gì đâu, đi lánh lũ cũng vậy mà được cứu trợ ăn uống mùng mền...ngủ một hai đêm rồi về, chớ mấy!).
   Trên cầu Đà rằng thì cảnh vớt củi trôi sông khá sinh động. Mỗi người có một cái móc thả xuống sông kéo củi chất từng đống con con, dưới sông nhiều chiếc thuyền nan nhỏ hợp sức vớt những khúc củi to...
    Còn phía xóm Đường đổ dài xuống chùa Hồ Sơn thì nhiều người bắt cá bằng nhiều cách, nhóm thì dùng tay lưới ngắn cũn cỡn ngăn nơi nước chảy mạnh...đơm cá, kẻ thì ôm cả bó cây sậy gắn dây câu ngắn lưỡi câu nhỏ để thả câu giăng, vài ông làm biếng đứng trên bờ đường số 6 dùng cần câu tre cũng giựt cá rô lia lịa...
    Quay về phố để xem...nước ngập đến đâu, mới tới đầu góc phố Lê Lợi gần cây xăng Shell thấy vài bạn nữ K76 xắn quần lội nước. Hôm nay mấy nàng mặc áo bà ba, quần đen xắn ống, xách giỏ đi chợ lụt sao mà thấy...lớn lớn, coi bộ cũng ra vẻ ...đảm đang lắm !
   Trẻ nhỏ ùa ra đường đã ngập kha khá lội nước kết bè chuối chơi giỡn, thỉnh thoảng một chiếc thuyền nan được đẩy ngược dòng nước giữa lộ, trên xuồng có người ngồi quấn mền, nón che khuất mặt, chắc là người bệnh hay người già chuyển đến nhà người quen khô ráo tránh lụt...
   Quay về, thấy ông anh của mình dùng cái mùng nhà binh đơm cá ngay đầu hẻm sát hiên nhà, ngạc nhiên là trong cái thau nhựa trên ghế đã có năm bảy con cá rô nhảy lách chách! Y lệnh ông anh, ba chân bốn cẳng lội tìm và ngắt được một mớ đọt rau muống xanh trong tươi rói! Trưa ngồi trên bộ phản khoái chí với cơm cá rô chiên tại chỗ kèm rau muống luộc, nước lụt vẫn chảy nhẹ trong nhà, kệ nó !
                                                                                                                                  Phú Đặng 

Từ ngữ bây giờ nghe cứ ..sợ sợ làm sao:
- Mùa nước nổi miền Tây lại kêu là mùa LŨ ĐBSCL !
- Mỗi ngày đều có con nước lớn con nước ròng, đầu và giữa tháng AL nước lớn hơn ...nay nước lớn kêu là TRIỀU CƯỜNG !
- "Bão rớt" nghe nhẹ nhàng như hơi lạnh và mưa nhẹ tràn vào đất liền nay là đe dọa đầy chất khoa học : ÁP THẤP NHIỆT ĐỚI!
- Nay mai hổng chừng gió nam, lúc thổi mạnh người PY thường kêu là "gió nam cồ " lại được gọi GIÓ LÀO , biết đâu, hè !




Câu chuyện  thứ 5     29.11.2013:

           ĐẨY XE CÓC CỌT    và hic hic....hahaha

        Phàm đã là học sinh của trường Nguyễn Huệ cũ  thời chúng ta, ai cũng biết đến thầy Tổng giám thị. Thầy Trần Tiến Toản có vóc dáng vừa phải, trán hói mắt lộ, môi trề và đặc biệt lúc nào cũng phì phèo điếu capstan đầu lọc, nam sinh khi thấy bóng dáng  thầy từ xa thì nên tránh ra là ...chắc ăn, vì các tội: tóc dài, không mang dép có quai hậu hoặc bỏ áo ngoài quần... đều ăn roi (nếu có roi tại chỗ) hoăc ale mời lên văn phòng, nói chung về thầy Tổng thì mỗi bạn gặp một kiểu, nhưng kiểu nào cũng làm cho ta nhớ dai.
         Có lẽ vì vậy mà vào học kỳ 2 của năm lớp 8 của chúng ta tại trường Nguyễn Huệ cũ, lớp 8F chúng tôi vào một buổi chiều, sau 2 giờ học trong lúc ra chơi để ý thấy xe con của thầy Tổng  (Hồi đó xe của thầy là xe hơi nho nhỏ mà chúng ta thường gọi là xe cóc cọt !) để phía trước văn phòng, sau khi thám thính không thấy thầy ở đâu nên ale  một số anh em hè nhau đẩy xe cóc cọt của thầy từ văn phòng ra đến cổng ngoài của trường lúc đó là đường Bùi Nguyên Ngãi, rồi yên tâm vào lớp hoc tiếp. Cả lớp 8F tưởng rằng kỳ này chơi được thầy Tổng một cú !
          Sau khi học xong một giờ, cả lớp thấy thầy giám thị Đông xuất hiện trước lớp và mời giáo viên lên văn phòng và yêu cầu lớp trưởng tập trung học sinh trước lớp. Từ xa trên văn phòng là thầy Tổng mặt mày đỏ gay tay cầm roi, đi cùng thầy có giám thị Thiểm cầm theo cuốn sổ đầu bài. Cả lớp đứng phía dưới, thầy Tổng đứng phía trên, vì thời đó sân trường rất thấp, từ sân muốn lên cửa lớp phải leo tới 4 bậc cấp. Đứng phía trên thầy thuyết giảng một bài dài về công dân giáo dục, nhưng chúng tôi chỉ nhớ nhiều  nhất là câu " ...tôi phải tìm ra cái thằng nào, cái thằng nào là thằng bày đầu...kỳ này tôi phải tìm cho kỳ được và phải đưa ra hội đồng kỷ luật...", hồi đó từ học sinh hiền lành cho đến các anh ba trợn khi nghe đến hội đồng kỷ luật đều lạnh gáy cả. Theo lệnh của thầy Tổng thì tuần tự từng em một tăm tắp lên nằm ghế đá (cái ghế đá này nằm dưới gốc dương liễu giữa lớp E và F) và được lãnh 2 roi vào mông vì cái tội đẩy xe cóc cọt của thầy, mấy bạn ban đầu (theo sổ đầu bài mà ăn đòn thôi) còn đươc thầy Đông cho ăn 2 roi, than đau là được tha, đến lượt bạn Nguyễn Chí Thông sau khi nhận 2 roi không thấy có một tiếng la, thấy vậy thầy Tổng để ý và đích thân thầy Tổng cầm roi vì " cái thằng này lỳ, để tao đánh xem thử mày lỳ đến đâu " thế là bạn Thông đươc vinh dự ăn một seri roi của thầy Tổng cho đến khi cái quần gần rách thì cậu mới la lên và được tha...
           Nhờ những kỷ niệm đó, mỗi khi trà dư tửu hậu, nhắc lại vụ đẩy xe cóc cọt là chúng tôi thấm thía và cảm thấy... hạnh phúc.
                                                                                                                                                     Thanh Vân




Câu chuyện thứ 6     06.12.2013:
Hình như đây không phải ruộng dưa ...chú Tám !


     Khoảng giữa niên khóa 73-74, lớp 10B2 có bạn Nguyễn Đức Huệ nhà ở Ngọc Lãng.  Thỉnh thoảng lớp 10B2 được nghỉ học vì lý do nào đó thì đa số nam nữ sinh của lớp hay chọn hướng đi chơi Chùa Khánh Sơn vì phong cảnh chùa đẹp và được leo trèo tự do hoặc hướng đi về bến đò Ngọc Lãng bỡi cũng vui vì có đi đò và ...mía thì nhà bạn mình nhiều để được vô tư ăn ít...phá nhiều!
   Phàm, cái gì làm hoài, ăn hoài, đi hoài cũng hết khoái, nghĩ đi bàn lại chọn nơi nào cho khỏi phí một buổi nghỉ học cũng chưa ra...
  Thời may, buồn ngủ gặp chiếu manh, trong lớp có Phan Đông Tề - người to con, tướng "chắc nịch" như ông...tướng , y dõng dạc mời cả lớp đi Màng Màng...ăn dưa hấu nhà chú y trồng. Tất nhiên cả lớp cùng ồ lên, hoan nghênh cái rụp và tốc hành lên đường.
   Vượt qua chùa Hồ Sơn rồi đến những đám rẫy trồng sắn nước cả lớp chẳng ai thèm nhìn bỡi đã chán ăn chán phá món này rồi hay là ruộng dưa lúc nhúc trái chín ngọt lịm mọc lên từ đất đen đen Màng Màng ám ảnh ? Chẳng mấy chốc đã đến nơi, một kỷ lục đi nhanh của 10B2 đã được xác lập ! Nhanh chóng tập hợp, tiến thẳng theo... cháu chú Tám vào ruộng dưa.
   Trái dưa nào cũng đẹp cũng xinh và ai cũng nghĩ đến màu ruột đỏ, vị thơm ngọt, dòn tan của dưa chín tại ruộng, bèn hè nhau bứt cuống đập vào đầu gối để vỡ ra sẽ ăn ngay...hậu quả chỉ chưa quá 10 phút, ngổn ngang như trận địa...dưa bể đôi, bể ba trắng hếu mà chưa ai ăn được miếng nào !
   Từ đám ruộng dưa gần đó, Phan Đông Tề dùng hai tay che ánh nắng mặt trời nhìn qua nhìn lại quan sát...câu nói của y không lớn, âm không vang nhưng còn quá hơn là mệnh lệnh "...hình như đây không phải ruộng dưa chú Tám " Chỉ có thế, lần lượt từng người rời vị trí, tay buông nhẹ trái dưa đang cầm, vội vàng trong im lặng ra khỏi ruộng dưa, lên xe đạp trống ngực còn đập mạnh, chỉ gần được bình thường khi sà vào quán bán sắn nước ven đường, khát nước khô cả cổ, ngấu nghiến ăn cái thứ mà mới đây thôi còn chê ỏng chê eo...hổng thèm nhìn !

Sau 40 năm, nhớ về cảnh này thấy tức cười lại nghĩ : Không biết Phan Đông Tề lộn ruộng thật hay y thông minh đến mức "hóa nguy thành an" chỉ bằng một câu nói ( ?)
                                                                                                                Phú Đặng


                                                                                                                                                                                                                                        

Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

CHUYỆN VUI...CÓ THẬT

 Chuyện thứ 1: số I
Trần Quang Bình đã tuyên bố:
" K76 không có thằng (con) nào () nên tao là số 1 "

 Chuyện thứ 2 : Ti so
Hồi còn học ở Nguyễn Huệ cũ . Giờ học toán, bài tỷ số, Trương Đinh Thăng xin thầy ra ngoài.
Lát sau, cả lớp nhìn ra ngoài cửa sổ thấy Trương Đinh Thăng đang mê mải dùng ná, nheo mắt....bắn chim! Hú hồn, may mà thầy không thấy!
Sau giờ ra chơi, học tiếp. Thầy hỏi Trương Đinh Thăng :
- Hôm nay lớp chúng ta học bài gì ?
Trương Đinh Thăng đứng lên, nhìn trên bảng thấy chữ Ty so nên mạnh dạn trả lời:
- Thưa thầy:  Ti so
cả lớp cùng hô hô hô, hi hi hi  - bạn mình nhớ đến ...nhãn hiệu bột giặt đang quảng bá ! hahaha, hu hu hu


Chuyen thu 3 : " La" Quyet

Câu chuyện xảy ra vào đầu năm học 1974 (cách nay xấp xỉ 40 năm, K76 bắt đầu vào năm học lớp 10) tại phòng học số 4 dẫy phía sau lưng trường là phòng của lớp 10B1.trong giờ Pháp văn của Thầy Phan Tăng .

K76 lúc này chỉ 1 lớp chuyên Pháp văn từ 9H lên 10B5 còn lại tất cả đều chuyên Anh, nên lên lớp 10 mới bắt đầu học sinh ngữ 2 (lớp vỡ lòng tiếng Pháp).
Do quen tiếng Anh chỉ có dùng chung  mạo từ ‘the’( như : the book, the pen, the table…), trong khi tiếng Pháp phải phân biệt giống cái ,giống đực ( như :la table, la cravate, le livre…).
Trong giờ Pháp văn của Thầy Phan Tăng, Thầy gọi Trần Văn Quyết lên dò bài( dò từ vựng)
….
Thầy Tăng cầm thước gạch gỗ (dài) lần lượt chỉ từng vật cụ thể để Trần Văn Quyết trả lời.
-   Thầy Tăng : Qu'est-ce que c'est  ? (Đây là cái gì ?)
Chỉ vào cái bàn …..          Quyết trả lời : La table   (Thầy gật đầu)
Chỉ vào cà vạt …..            Quyết trả lời : La cravate   (Thầy gật đầu)
Chỉ vào Quyển sách …..   Quyết trả lời : La livre   (lúc này Thầy ngẩn đầu)
Thầy hỏi lại : Qu'est-ce quelque chose ? (Đây là cái gì ?) –Quyết vẫn trả lời : La livre  
Thầy nặng giọng hỏi lại : Qu'est-ce que c'est ?       –Quyết vẫn trả lời : La livre  
Bực quá…Lúc này Thầy lấy thước gạch gỗ chỉ thẳng vào ‘của quý ’ của Quyết : Đây mà La ? Đây mà La ?
La  hay Le ? La hay Le?
Do quá bất ngờ ,và phản xạ tự nhiên Quyết liền ‘bụm’ lại : dạ Le….dạ Le....
Còn cả lớp học: nam sinh thì bật cười lớn, còn nữ sinh thì gục mặt xuống bàn ??? cười ‘thút thít
Từ đó Trần Văn Quyết có biệt danh là ‘La Quyết

Tuy đã 40 năm qua nhưng tôi vẫn còn nhớ như in…mỗi khi nghĩ về Quyết tôi vẫn tự cười thút thít…về thằng Bạn thân ‘La’ Quyết
Không biết các Bạn 10 B1 còn nhớ câu chuyện này không??? 
                                                                                        NGUYEN CAN




Chuyen thu 4
Nguồn gốc biệt danh   “ VÂN ĐÙ…”

Câu chuyện này xảy ra vào năm học 1972-1973 tại lớp 9F phòng 4 tầng trệt của dãy lầu 3( trường Nguyễn Huệ mới bây giờ) trong giờ Thầy Hoàng Diêu dạy môn Việt Văn….

Vào thời đó, một số học sinh choi choi thường hay chưởi thề (hiện nay tình trạng này phổ biến hơn nhiều!!!, kể cả người lớn, hoặc một số “hot girl” cũng dùng từ đệm này nữa chứ !).

Chuông reng…( lúc này nhà trường sử dụng chuông thay tiếng trống) cả lớp vào lớp học … Thầy Hoàng Diêu bước vào … cả lớp đứng dậy Chào Thầy … trong lúc này, một bạn ở dãy bàn phía sau còn đang nói chuyện, vụt miệng chưởi thề …. Thầy Diêu nghe được , chẳng nói gì …Thầy ngồi xuống bàn ( cả lớp thì đứng…vì Thầy chưa  cho ngồi…..)

Bỗng   “ Rầm !!! ”  Thầy dùng nắm tay đập  mạnh xuống bàn…
Với khuôn mặt nghiêm nghị Thầy hỏi  “ Anh nào vừa phát ngôn câu đó?….”, cả lớp im lặng không ai dám nhận (mình đoán có lẽ là bạn NQTrường ) … Im lặng một hồi lâu … cũng không ai dám nhận …. Thầy cho cả lớp ngồi xuống …
 Thay vì học Văn , cả lớp được nghe : “Thầy ca  6 câu vọng cổ ”, đúng 1 tiết học luôn…  Thầy nói rất nhiều , nhưng mình còn nhớ mãi một câu rất chua chát là :“ Hèn chi, người ngoại quốc vào VN  bảo là thanh thiếu niên VN có những kẻ bất hiếu  và loạn luân … ”

 Sau tiết học, rút kinh nghiệm…… mình và Thanh Vân đưa ra  sáng kiến… Từ nay về sau, thằng nào thường hay chưởi thề , thay vì  tiếng  ĐM… phải nói trại qua là  “ Ồ ME… Ồ ME…” để khỏi mang danh “lọan luân và bất hiếu…..” ví dụ khi có chuyện gì lạ, ngộ nghĩnh , bất thường thì nói là : Ồ ME HAY QUÁ MẠY…. Ồ ME XẠO QUÁ MẠY… vv..vv…   
Về sau, mình nhớ Nguyễn Nhơn Hậu và một số bạn  hay dùng từ đệm này….Riêng Thanh Vân  không chưởi thề, cũng không dùng từ đệm Ồ ME … nhưng Thanh Vân nhà ta khi thấy chuyện bất ngờ gì thường hay dùng từ đệm là ĐÙ… như : ĐÙ …HAY QUÁ , ĐÙ…TUYỆT QUÁ,   ĐÙ…MỎI MỆT QUÁ……….
Từ đó Thanh Vân  có biệt danh là VÂN ĐÙ
Thực ra Thanh Vân rất thông minh, lém lỉnh chứ không đần đù đâu… hiểu sai biệt danh VÂN ĐÙ  tội nghiệp cho Bạn

                                                                                  Lê Văn Nguyên